Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng 2024

0985 949 207
ko_flag ko_flag
globaltax247@gmail.com

Văn bản pháp luật

Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng 2024

Giấy phép kinh doanh vàng miếng là một văn bản pháp lý cần thiết đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực mua bán và chế biến vàng. Để được cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp cần phải có hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

1. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng

Kinh doanh vàng miếng là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần phải đáp ứng các điều kiện pháp lý nghiêm ngặt để được cấp giấy phép. Những quy định này nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường và hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng. Để có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng miếng một cách hợp pháp thì doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cần đáp những điều kiện cụ thể dưới đây:

1.1 Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với các doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, quy định điều kiện kinh doanh vàng về quản lý hoạt động kinh doanh:

Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Như vậy để được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
  • Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên
  • Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng
  • Nộp thuế tối thiểu 500 triệu đồng/năm trong 2 năm liên tiếp
  • Có chi nhánh tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố.

1.2 Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với các tổ chức tín dụng

Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định như sau:

Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Vậy các tổ chức tín dụng muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh vàng miếng cần phải thỏa mãn đầy đủ 03 điều kiện sau:

  • Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên
  • Đăng ký kinh doanh vàng
  • Có mạng lưới chi nhánh tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp bao gồm các thành phần sau: Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, danh sách các địa điểm dự kiến đăng ký làm địa điểm kinh doanh vàng miếng.

2.1 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp

Theo khoản 2 Điều 1 của Thông tư 03/2017/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN) hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp bao gồm:

  • Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2017/TT-NHNN).
  • Danh sách các địa điểm dự kiến kinh doanh vàng miếng (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, các điểm kinh doanh).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, kèm theo văn bản xác nhận các địa điểm kinh doanh vàng miếng đã được đăng ký hoặc thông báo tới cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.
  • Xác nhận từ cơ quan thuế về số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng trong hai năm gần nhất.

2.2 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho các tổ chức tín dụng

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư 03/2017/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN) hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho các tổ chức tín dụng bao gồm:

  • Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng (mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 03/2017/TT-NHNN).
  • Danh sách các địa điểm dự kiến kinh doanh vàng miếng (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, và các điểm kinh doanh).
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, cùng văn bản xác nhận các địa điểm kinh doanh vàng miếng đã được đăng ký hoặc thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
  • Giấy xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng trong hai năm liền trước.

3. Thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng 2024

Theo quy định tại Phần II Thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 1529/QĐ-NHNN năm 2017 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền giải quyết, thủ tục cấp giấy phép như sau:

3.1 Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với doanh nghiệp

  • Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là Vụ Quản lý Ngoại hối.
  • Bước 2: Khi đã tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra các giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh, cùng với trang thiết bị cần thiết cho hoạt động mua bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký.
  • Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận thông báo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương sẽ báo cáo kết quả kiểm tra lại cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối).
  • Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó xem xét và đưa ra quyết định cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

3.2 Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đối với tổ chức tín dụng

  • Bước 1: Tổ chức tín dụng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể là Vụ Quản lý Ngoại hối.
  • Bước 2: Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại địa phương thực hiện kiểm tra các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động mua bán vàng miếng tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
  • Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương sẽ gửi báo cáo kết quả kiểm tra lại cho Vụ Quản lý Ngoại hối.
  • Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành xem xét và quyết định cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Cách thức nộp hồ sơ:

  • Nộp trực tiếp tại Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  • Hoặc gửi qua đường bưu điện.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng

Theo Điều 12 của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh mua bán vàng miếng có trách nhiệm:

  • Chỉ mua, bán các loại vàng miếng có ký mã hiệu, khối lượng, chất lượng và nhãn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất theo từng thời kỳ.
  • Không được kinh doanh vàng miếng qua các đại lý ủy quyền.
  • Tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.
  • Công khai niêm yết giá mua và bán vàng miếng tại điểm giao dịch.
  • Đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh với các biện pháp và trang thiết bị phù hợp.
  • Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan khác.

5. Mức phạt hành chính khi mua bán vàng miếng với tổ chức không có giấy phép là bao nhiêu?

Mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng, đồng thời sẽ tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm.

Theo Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi mua bán vàng miếng với tổ chức không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng sẽ bị xử phạt như sau:

  • Phạt cảnh cáo: Đối với việc mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
  • Phạt tiền:: Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh, nếu vi phạm xảy ra trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
  • Phạt tiền: Từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với các hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

Như vậy, mức phạt cho hành vi mua bán vàng miếng không có giấy phép bao gồm:

  • Cảnh cáo hoặc phạt 10-20 triệu đồng cho việc mua bán với tổ chức không có giấy phép.
  • Phạt 300-400 triệu đồng đối với việc kinh doanh vàng miếng mà không có giấy phép.
Gửi yêu cầu tư vấn

Đăng ký nhận tin qua Email

Back to top

Hotline